- Media
Quỹ đầu tư mạo hiểm: “Đắp chăn” chờ dự án
20/08/2014
Nhận xét về thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam hiện nay, đại diện của IDG Ventures cho biết, đang ở giai đoạn “thừa tiền, thiếu dự án”. Trên thị trường đang vắng bóng các dự án có khả năng sinh lời cao, trong khi các quỹ lại phải cạnh tranh cả với các NĐT tư nhân. Do đó, hoạt động ĐTMH dường như đang trầm lắng.
Chỉ có khoảng vài chục dự án được nhận vốn đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) tại Việt Nam, mặc dù mô hình quỹ này đã manh nha phát triển từ năm 1991 đến nay. Con số này là quá ít ỏi khi so với các quốc gia phát triển, hàng năm có thể có tới hàng trăm DN nhận được vốn ĐTMH. Dù quy mô và số lượng các dự án này còn nhỏ, song khả năng sinh lời lại khiến nhiều NĐT thèm muốn. Hầu hết các quỹ ĐTMH tại Việt Nam hiện nay đang hoạt động có hiệu quả. Như IDG Ventures, quỹ đầu tư dẫn đầu cả về danh mục và vốn, tăng trưởng tới 30-40%/năm.
Với trị giá 100 triệu USD, quỹ có danh mục đầu tư tại khoảng 40 công ty, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, thương mại điện tử, truyền thông… Mỗi mảng trong danh mục đầu tư của IDG đều có 1-2 thương vụ thành công. Như ở mảng thông tin – truyền thông và kinh doanh công nghệ là các khoản đầu tư vào VCCorp, chủ sở hữu trang Bamboo, Muachung, Enbac… hay PeaceSoft, quản lý trang Nganluong.vn, Chodientu.vn, đều đạt tỷ suất sinh lời nội bộ khá cao, trên 30%. Ở mảng truyền thông – giải trí và hạ tầng thương mại điện tử xuất hiện hai cái tên đang “làm mưa, làm gió” ở thị trường Việt Nam là Vinagame và Diadiem JS…
Hay như quỹ đầu tư DFJ VinaCapital hiện giữ chưa đến 10 khoản đầu tư, trong đó điển hình là Chicilon Media, đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực quảng cáo trên màn hình LCD ngoài trời; Tập đoàn Đại sứ trẻ, đơn vị sở hữu kênh truyền hình Yeah1 TV và Yeah1 Family; Direct With Hotels, dịch vụ đặt phòng qua mạng… đều hoạt động hiệu quả và có đối tượng khách hàng riêng đầy tiềm năng.
Sự thành công của các khoản đầu tư này, thực tế là cũng phải rất “kỳ công” mới có được. Theo TS. Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Tài chính – Marketing (Bộ Tài chính), ĐTMH là chấp nhận rủi ro cao, nhưng khi thành công thì có lợi rất lớn. Bà Dung phân tích, các nhà ĐTMH không chỉ đầu tư vốn mà còn sử dụng kinh nghiệm, tri thức và mạng lưới thông tin tích lũy lâu năm của mình để hỗ trợ cho cán bộ quản lý DN tiến hành kinh doanh tốt hơn. Họ trực tiếp giúp đỡ các DN mà mình đầu tư về quản lý, đổi mới công nghệ, tiếp thị, phát triển nhân lực và hoạch định chiến lược kinh doanh…
Thông thường, các quỹ ĐTMH nuôi dưỡng công ty mà họ đầu tư đến một giai đoạn IPO thuận lợi và đạt lợi nhuận cao nhất thì thoát vốn ra để đầu tư sang một đơn vị khác. Điều này khác với các loại hình đầu tư khác là chỉ rót vốn vào DN mà NĐT thấy có tiềm năng và chờ thu lợi nhuận. Vì vậy, ĐTMH thường hỗ trợ theo 4 giai đoạn trong sự phát triển của DN: phát sinh ý tưởng, khởi động, leo dốc, thoát ra. Giá trị đầu tư của các khoản ĐTMH dao động từ 500 nghìn đến 5 triệu USD cho những DN mới, nhiều tiềm năng và trên 10 triệu USD cho những công ty đã phát triển. Thời hạn nắm giữ một khoản đầu tư thường từ 3-7 năm, nhưng thậm chí có thể gia hạn 10 năm.
Nhận xét về thị trường ĐTMH tại Việt Nam hiện nay, đại diện của IDG Ventures cho biết, đang ở giai đoạn “thừa tiền, thiếu dự án”. Trên thị trường đang vắng bóng các dự án có khả năng sinh lời cao, trong khi các quỹ lại phải cạnh tranh cả với các NĐT tư nhân. Do đó, hoạt động ĐTMH dường như đang trầm lắng. IDG trong vòng mấy năm vừa qua gần như không còn công bố đầu tư vào dự án mới nào mang tính mạo hiểm, mà chủ yếu xây dựng và phát triển các dự án đã đầu tư.
Tuy nhiên, đó chỉ là tình hình trước mắt. Thực tế là nhiều quỹ ĐTMH đang lên kế hoạch mở rộng quỹ để chuẩn bị cho các khoản đầu tư mới. IDG đang thành lập thêm 2 quỹ mới trị giá 400 triệu USD để đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng sạch, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Quỹ CyberAgent Ventures của Nhật Bản cũng đang đặt mục tiêu tăng cường huy động vốn vào Đông Nam Á từ 20 triệu USD lên 50 triệu USD vào năm 2015.
Theo ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành quỹ DFJV, xu hướng ĐTMH vẫn sẽ tập trung vào những lĩnh vực phát triển nhanh của nền kinh tế, như các công ty đang có công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh trong ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, phần mềm… Bên cạnh đó, với sự hiện diện của nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm công nghệ tại Việt Nam như Intel, Samsung, Canon, Bosch… thì việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ là xu hướng đầu tư đáng chú ý của các quỹ này trong thời gian tới.
Chính vì vậy, một số NĐT “tay ngang” khác cũng dành một phần vốn để lấn sang mảng ĐTMH, như Mekong Capital có 3 quỹ trị giá 181 triệu USD; Bank Invest có một quỹ tập trung vào thị trường mới nổi trị giá 100 triệu USD; Công ty quản lý quỹ Prudential đã đầu tư 130 triệu USD vào các công ty tư nhân; BVIM, một liên doanh giữa BIDV và Vietnam Partners LLC, có một quỹ trị giá 95 triệu USD…
Ngọc Khanh
Source: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/3-quy-dau-tu-mao-hiem–dap-chan-cho-du-an-24165.html