• Media

Thiếu hụt niềm tin: Lực Cản Thị Trường

Th eo thống kê, năm 2000 có khoảng 0,03% dân số Việt Nam sử dụng Internet, năm 2010 tỷ lệ này đã là 26%. Sự gia tăng này được dự báo sẽ đẩy mạnh thị trường giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, sự thiếu hụt niềm tin của người tiêu dùng là lực cản thị trường này phát triển.

Nhu cầu có thật nhưng chưa an tâm

Bên cạnh yếu tố thuận lợi từ sự gia tăng số lượng người dùng Internet qua máy tính, TMĐT có cơ hội phát triển mạnh ở VN vì Internet còn tiếp tục gia tăng độ phủ qua các thế hệ điện thoại thông minh ngày càng được ưa chuộng. Theo thống kê, năm 2010, Việt Nam đã có khoảng 140 triệu thuê bao điện thoại di động.

Dự báo về nhu cầu mua sắm qua mạng, ông Nguyễn Bảo Hoàng – Tổng giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư IDG Việt Nam cho rằng nhu cầu này sẽ tạo thành thị trường lớn tại Việt Nam. Theo ông Hoàng, có 2 lý do: Người bán sẽ có khuynh hướng quay sang mô hình TMĐT vì tiết kiệm chi phí mặt bằng (giá thuê mặt bằng trung bình tại các trung
tâm thương mại TP.HCM 83USD/m2/tháng – người viết) và số lượng người mua tăng vì tính tiện lợi của giao dịch qua mạng.

Tuy nhiên, sự gia tăng giao dịch TMĐT hiện nay đang gặp trở ngại, đó là sự thiếu hụt niềm tin của người tiêu dùng. Theo ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư DFJ – VinaCapital, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt là một cản trở lớn trong việc thúc đẩy giao dịch qua mạng. Ông Phúc cho rằng đây là một vấn đề không dễ dàng thay đổi nhanh, đặc biệt là khi người tiêu dùng chưa đặt niềm tin vào việc thanh toán qua mạng.]

Bà Hoàng Hoa (TP.HCM) chia sẻ: “Sau một thời gian thường xuyên mua hàng trực tuyến, tôi cảm thấy thất vọng vì có lần mua hàng, tiền đã chuyển đi nhưng hàng giao
chậm hơn thỏa thuận rất nhiều và chất lượng hàng không đảm bảo”.

Sau đó, bà chuyển sang mua hàng ở một website có kết nối với một cổng thanh toán có tính năng “tạm giữ”, tức là người bán chỉ được thanh toán khi người mua đã được nhận hàng. Tuy tạm hài lòng với phương thức thanh toán này, bà vẫn cảm thấy bất an vì sợ thông tin tín dụng của mình bị rò rỉ. Bà cũng trăn trở về trường hợp người bán không thực hiện cam kết về chất lượng sản phẩm, chế độ bảo hành… Khi đó, bà phải khiếu nại thế nào, chuẩn bị giấy tờ chứng cứ ra sao?

Hành lang pháp lý chậm chân

Hiện nay Việt Nam đã có một số quy định liên quan đến TMĐT xuất hiện trong các văn bản dưới luật (chữ ký điện tử, hay giao kết hợp đồng). Tuy nhiên, theo luật gia Vũ Thượng (TPHCM), quy định về giao dịch TMĐT hiện chưa đầy đủ để điều chỉnh hành vi mua, bán, trách nhiệm đóng thuế… “Một khi hệ thống pháp luật về TMĐT chưa hoàn chỉnh thì quyền lợi và trách nhiệm của hai bên mua, bán chưa được đảm bảo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý chưa rõ ràng. Pháp luật đang đi chậm hơn cuộc sống 5-7 năm vì các giao dịch TMĐT tại Việt Nam đã xuất hiện từ năm 2003”.

Một hệ thống pháp luật đầy đủ và được thực thi hiệu quả sẽ góp phần làm tăng niềm tin cho người tiêu dùng và từ đó điều chỉnh thói quen tiêu dùng.